Personal bankruptcy: Your financial fresh start (Vietnamese)
Phá Sản Cá Nhân: Khởi đầu lại tài chánh của quý vị
Khai phá sản có thể giúp người tiêu thụ đang rối rắm vì mắc nợ, nhưng trước khi quyết định khai phá sản, người ta cần biết rất nhiều về thủ tục khai phá sản và hậu quả của nó. Bản hướng dẫn này giải thích sự khác biệt giữa hai loại khai phá sản cá nhân, người khai phải làm gì, các món nợ và tài sản sẽ ra sao, suy xét về các lựa chọn khác, giải thích khái quát về các thủ tục pháp lý, và hướng dẫn tìm sự trợ giúp ở đâu cũng như các chi tiết khác.
Bankruptcy can offer a financial fresh start for consumers overwhelmed by debt, but there is a lot to know about the process and potential consequences before a decision to file can be made. This guide explains the differences between the two types of personal bankruptcy, what is required of filers, what happens to debts and assets, alternatives to consider, the general legal process, and where to find assistance and more information.
Publication Series
- This publication is not currently associated with any training series.
Download File
PDF files may contain outdated links.
Personal bankruptcy: Your financial fresh start (Vietnamese)
File Name: Bankruptcy_2017_VN.pdf
File Size: 1.19MB
Languages Available
Table of Contents
Phá sản là thủ tục của toà án liên bang để giúp người tiêu thụ dứt bỏ số nợ khổng lồ hay sắp đặt một chương trình để trả nợ. Tùy vào mức thâu nhập và hoàn cảnh của quý vị, luật phá sản có thể cho quý vị một con đường để xoá đi nhiều món nợ tài chánh và khởi đầu lại. Tuy nhiên, phá sản có thể mang lại hậu quả tai hại lâu dài khi quý vị xin tín dụng, tìm việc, mua bảo hiểm hay mướn chỗ ở.
Chương 7 và Chương 13
Người ta có thể đệ đơn khai phá sản một trong hai loại phá sản – Chương 7 (Chapter 7) phá sản “vỡ nợ” (“liquidation” bankruptcy) hay Chương 13 (Chapter 13) phá sản “trả nợ” (“repayment” bankruptcy).
Trong Chương 7, toà xử phá sản tha cho hầu hết các món nợ không thế chấp bằng tài sản hay bất động sản như nhà hay xe. Thêm vào đó, quý vị được phép giữ lại một số “tài sản được miễn.” Dựa theo Chương 7, một nhân viên tài khoán (trustee) được toà chỉ định sẽ tịch thu các bất động sản nào không nằm trong diện được miễn để thu xếp bán nó hay bán tháo (liquidation) cũng như có trách nhiệm trả càng nhiều nợ càng tốt cho quý vị với số tiền bán được. (Không phải tất cả món nợ nào cũng có thể được xí xoá từ việc phá sản.)
Chương 13, đôi khi còn gọi là phá sản trả nợ bằng “tiền lương” (“wage earner” bankrupcy), nó có thể là một lựa chọn duy nhất nếu như toà thấy quý vị có thâu nhập để ít ra có thể hoàn trả một phần tiền quý vị nợ. Khai phá sản Chương 13 cho phép quý vị trả nợ định kỳ trong một thời hạn có sự thoả thuận, thường là từ ba đến năm năm. Sau khi thời hạn trả nợ đã chấm dứt, phần tiền còn nợ không có thế chấp sẽ được xí xoá (ngoại trừ nợ các thuế thâu nhập cụ thể, nợ phụ cấp vợ/chồng cũ và con cái, và các hoá đơn pháp lý nảy sinh từ vụ quý vị khai phá sản).
Toà phải chấp thuận kế hoạch trả hết hay một phần tiền quý vị nợ. Nhiều người muốn giữ tài sản của họ như nhà hay xe, họ chọn khai phá sản Chương 13.
Điều Kiện Để Khai Phá Sản
Hiện nay, tất cả người đệ đơn khai phá sản phải thông qua một cuộc “thẩm tra tiền bạc” (means test) để biết họ đủ điều kiện khai Chương 7 hay phải khai Chương 13. Quý vị có thể không được khai Chương 7 nếu như thâu nhập của quý vị trên mức thâu nhập trung bình của tiểu bang ấn định và quý vị có thể trang trải được một phần tiền nợ không có tài sản thế chấp (unsecured debt payment).
Mức thâu nhập trung bình khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Thí dụ, mức thâu nhập trung bình cho một gia đình gồm hai người ở New Mexico trong năm 2017 là $57,704, trong khi ở New Jersey là $75,305. Quý vị cũng có thể tìm bản thống kê mức thâu nhập trung bình cá nhân và gia đình tại trang mạng của Nha Tài Khoán Hoa Kỳ (U.S.Trustee). Dùng nút kéo danh mục để chọn bảng liệt kê mức thâu nhập mới nhất. Toà cũng có thể buộc quý vị khai Chương 13 nếu toà tin rằng quý vị đang lạm dụng luật phá sản bằng cách khai Chương 7.
Quý vị vẫn có thể khai Chương 7 cho dù mức thâu nhập của quý vị vượt quá mức trung bình của tiểu bang ấn định, vì quý vị vẫn không đủ tiền để trả cho các chi phí cho cuộc sống hiện tại và đủ điều kiện trả được nợ theo Chương 13 đòi hỏi. Mức sống trung bình (Allowable Living Expense National Standard) của Sở Thuế Vụ (IRS) được dùng làm bảng tiêu chuẩn toàn quốc tính chi phí trả cho thực phẩm, vật dụng dọn dẹp nhà cửa, áo quần, chăm sóc cá nhân và các chi phí linh tinh khác, cũng như tính số tiền quý vị còn dư mỗi tháng để trả nợ.
Nếu khai Chương 7, quý vị phải cung cấp một bản sao khai thuế mới nhất, nếu không hồ sơ của quý vị sẽ bị bác. Đối với Chương 13, quý vị phải cung cấp đơn khai thuế trong bốn năm qua. Nếu chưa nộp đơn khai thuế thâu nhập, quý vị phải làm trước khi khai phá sản. Thêm vào đó, quý vị phải cung cấp một số các chứng minh khác, bao gồm:
- Một chứng chỉ quý vị đã đi tham vấn về tín dụng.
- Bằng chứng thâu nhập trong 60 ngày qua.
- Tiền lấy về (net) hàng tháng và bất cứ các thứ tiền kiếm thêm nào; và
- Một thẻ căn cước có hình.
Quý vị không được khai phá sản cho đến khi quý vị chứng minh trước khi khai phá sản quý vị đã có tham dự buổi tư vấn về tín dụng trong vòng sáu tháng. Trước khi hồ sơ khai phá sản của quý vị kết thúc (được xoá nợ), quý vị phải hoàn tất khóa học về quản lý tài chánh hậu phá sản. Quý vị có thể phải trả lệ phí cho các khoá học này và các dịch vụ tư vấn phải từ một cơ quan được chứng nhận bởi Nha Tài Khoán Hoa Kỳ. Xin viếng trang điện toán của Nha (http://bit.ly/2vMtjvs) để coi danh sách các cơ quan trong khu vực quý vị ở. Các tư vấn viên có bằng hành nghề phải cung cấp dịch vụ miễn phí cho người tiêu thụ nào không thể trả được lệ phí.
Quyết Định Cá Nhân
Phá sản là một quyết định cá nhân. Đa số người khai phá sản vì vỡ nợ, nguyên do thường bị khốn khó về tài chánh như thất nghiệp, thiếu bảo hiểm chính đáng, phí tổn bệnh hiểm nghèo, hôn nhân lục đục, tín dụng xài quá mức hay chuyện ít xảy ra hơn là tiêu xài quá trớn.
Các luật về phá sản được thông qua để cho người ta làm lại từ đầu, và giúp người tiêu thụ mắc nợ biết tổ chức lại cuộc sống cho quy củ để trả nợ. Nếu nợ ngập đầu và không thể trả lại tất cả số tiền nợ, quý vị có thể nghĩ đến khai phá sản. Hay, nếu quý vị có thể trả nợ cho chủ nợ nhưng cần thoát ra khỏi luật xiết tiền lương (wage garnishment) hay các hăm dọa bị tịch biên, quý vị có thể nghĩ đến khai phá sản.
Người trả nợ trễ nhưng không bị rối bời vì nợ và bị các cú gọi đòi nợ, có thể trang trải các món nợ mà không cần khai phá sản. Hãy thử các phương pháp sau:
Tìm cách kiếm thêm tiền. Kêu gọi cả nhà đóng góp tiền thu nhập của họ.
Kiểm soát ngân quỹ chi tiêu. Theo dõi không chỉ những gì quý vị tiêu nhưng luôn cả các chi tiêu sắp tới và các hoá đơn thường phải trả.
Giản dị hoá lối sống. Nếu nợ nhà và nợ xe mới đang làm quý vị chật vật, nên nghĩ đến bán nhà hay xe của quý vị và sống đơn giản hơn trong một thời gian.
Ngưng dùng các thẻ tín dụng. Cho dù nó có thể không thuận tiện, nhưng quý vị nên tập trả tiền ngay khi chi tiêu (bằng tiền mặt hay thẻ khấu trừ debit) thay vì dùng thẻ tín dụng.
Mua sắm cẩn thận. Đọ giá mọi món hàng quý vị mua và nên nghĩ đến mua hàng không danh tiếng hay mua hàng từng lố giá sỉ.
Bắt đầu tiết kiệm. Ngay cả gia đình với mức thâu nhập thấp có thể tiết kiệm thường xuyên để có một quỹ khẩn cấp dùng đến trong giai đoạn khó khăn.
Nợ Không Biến Mất
Khi nghĩ đến chuyện khai phá sản, điều quan trọng quý vị cần phải biết một số nợ cụ thể không thể xoá được. Nếu muốn tránh nhà hay xe bị tịch thâu, trương mục của quý vị phải có đủ tiền và tiếp tục trả nợ này.
Khai phá sản có thể giúp quý vị xoá hay giảm đi nhiều món nợ, nhưng có một số nợ thường không thể xoá được:
- nợ phụ cấp con cái và tiền cấp dưỡng vợ/chồng cũ;
- nợ tiền học;
- các món nợ từ thỏa thuận hay quyết định của toà khi ly dị;
- thuế thâu nhập của các năm vừa qua;
- tiền phạt và xử phạt như phạt lưu thông, án hình sự, tiền toà bắt trả nợ, tiền phạt thuế thâu nhập và thuế bất động sản gần đây;
- rút tiền mặt từ một thẻ tín dụng nào hơn $950 trong vòng 70 ngày sau khi khai phá sản
- dùng một thẻ tín dụng nào mua các món hàng xa xỉ phẩm hơn $675 trong 90 ngày sau khi khai phá sản (trả một số tiền lớn cho bất kỳ món hàng xa xỉ phẩm mới đây trước khi khai phá sản có thể bị chất vấn là gian lận)
- Các món nợ hay phán quyết của toà dựa dựa trên các tội gian lận hay các hành vi trái luật như say rượu khi lái xe, ác ý gây thương tích cho người hay tài sản, biển thủ hay ăn cắp
- Bất cứ các món nợ nào quý vị đã quên không liệt kê trong đơn khai phá sản.
Tài Sản Được Miễn
heo luật liên bang và tiểu bang, một số của cải quý vị được bảo vệ làm chủ hoàn toàn (tài sản) trong lúc khai phá sản. Đây được gọi là tài sản được “miễn” (exempt) vì nó không cần phải bị bán đi trong tiến trình phá sản. Mọi của cải có giá trị khác quý vị làm chủ (tất cả tài sản không được miễn của quý vị) phải được bán đi để trả cho các chủ nợ của quý vị trong thời gian khai phá sản Chương 7. Các tài sản như nhà và xe của quý vị được dùng như vật thế chấp cho một món nợ có thể phải bán đi nếu tiền bán đủ để trang trải cho tiền nợ được miễn trả, các món nợ chưa trả và bất cứ chi tiêu nào liên quan đến tiền bán của cải và còn dư đủ để trả cho chủ nợ.
Các tài sản được trong diện miễn của quý vị có thể bao gồm tất cả hay một phần giá trị tiền mặt căn nhà mà quý vị là sở hữu chủ hoàn toàn (giá trị căn nhà ”home equity”của quý vị). Các tài sản khác quý vị có thể giữ cho dù khai phá sản như trương mục hưu bổng, xe cộ, áo quần, đồ sắm sửa trong nhà, sách và dụng cụ cho nghề nghiệp của quý vị.
Các chủ nợ không thể đòi quý vị phải bán đi các tài sản quý vị làm chủ hoàn toàn đó vì nó nằm trong diện được miễn bán để trả nợ. Bất kỳ phần tài sản nào trong căn nhà quý vị được sở hữu hoàn toàn như giá trị căn nhà, được luật tiểu bang và liên bang bảo vệ tuỳ theo mức độ khác nhau. Luật “homestead exemption” của tiểu bang bảo vệ nhà quý vị cư ngụ nếu quý vị là chủ nhân của căn nhà trong tiểu bang đó ít nhất là 40 tháng trước khi khai phá sản. Nếu không đủ điều kiện, luật liên bang thay thế cho luật tiểu bang, giới hạn số tiền miễn trả trên giá trị căn nhà là $160,375, không cần biết luật tiểu bang quy định ra sao.
Cho dù luật các tiểu bang khác nhau, nếu quý vị đã gian lận khi khai phá sản, vi phạm các luật an ninh hay bị kết án tội phạm pháp nào đó, quý vị chỉ có thể được miễn trả số tiền tối đa lên tới $160,375 trên giá trị căn nhà của quý vị.
Quý vị có thể tìm hiểu thêm về luật “homestead exemption” và số tiền giới hạn được miễn trả trong tiểu bang quý vị ở bằng cách vào trang mạng Nolo.com.
Trước Khi Quý Vị Quyết Định
Nhiều người khai phá sản không nhận thức được tầm ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào cho đời sống của họ. Nó có thể ảnh hưởng đến quá khứ tín dụng của quý vị trong bảy đến mười năm, vì thế quý vị có thể bị gặp khó khăn xin thẻ tín dụng mới, mượn tiền mua nhà, xin việc, mua bảo hiểm hay mướn nhà. Một số ngân hàng tín dụng có thể cho thêm tín dụng bất kể việc phá sản, trong khi các ngân hàng khác sẽ chỉ cho thêm tín dụng sau nhiều năm hay sau khi hồ sơ phá sản không còn nằm trong bản báo cáo tín dụng của quý vị.
Nếu thói quen tiêu xài hoang phí dẫn tới bị phá sản, luật pháp tha thứ cho quý vị các món nợ nhưng nó có thể không thay đổi được lối quản lý tiền và tín dụng của quý vị. Nếu không học cách quản lý tiền, quý vị có thể bị rơi vào nợ nần lần nữa, chắc chắn rằng lúc đó quý vị sẽ không còn thể chọn khai phá sản. Nếu khai phá sản Chương 7, quý vị sẽ phải chờ tám năm tính từ ngày khai để được khai phá sản lần nữa. Quý vị không được khai phá sản Chương 13 lần nữa trong hai năm. Nếu lần khai phá sản đầu tiên là Chương 13, quý vị không được khai Chương 7 trong sáu năm (có vài trường hợp ngoại lệ). Nếu lần khai phá sản đầu tiên là Chương 7, quý vị không được khai Chương 13 trong bốn năm.
Khai phá sản là một thủ tục pháp lý phức tạp – quý vị tới toà giao cho người lạ quyền quyết định tài chánh của quý vị. Cho dù nếu quý vị khai Chương 7, toà xử phá sản phải quyết định xem quý vị có đủ thâu nhập để trả nợ trong trường hợp của Chương 13, hay nếu quý vị lạm dụng luật pháp bằng cách khai Chương 7.
Có phải quý vị nghĩ đến khai phá sản vì bị các chủ nợ quấy nhiễu? Luật của liên bang và tiểu bang về đòi nợ cho công bằng có thể giúp quý vị tự bảo vệ mình không bị lạm dụng và quấy nhiễu bởi các người đòi nợ. Để biết thêm về quyền của quý vị, xin đọc “Quyền Của Người Mắc Nợ” (Debtors’ Rights) của Cơ Quan Consumer Action, ấn bản “Sắc Luật Đòi Nợ Cho Công Bằng” (The Fair Debt Collection Practice Act) ([url=http://bit.ly/2x7RS5C]http://bit.ly/2x7RS5C[/url]) và “Khi Công Ty Đòi Nợ Gọi” (When a Collector Calls).
Đánh Giá Mức Thiệt Hại
Trước khi quyết định khai phá sản, trực diện với tình trạng tài chánh hiện thời của quý vị và đánh giá mức thiệt hại.
Duyệt lại hồ sơ tín dụng: Ba văn phòng báo cáo tín dụng lớn nhất là Equifax, Experian và TransUnion. Một năm một lần, quý vị có quyền xin một bản báo cáo tín dụng miễn phí từ mỗi văn phòng này bằng cách vào trang mạng AnnualCreditReport.com, là dịch vụ điều hành bởi ba văn phòng trên dưới sự giám sát của Ủy Ban Thanh Tra Mậu Dịch Liên Bang (Federal Trade Commission). Quý vị yêu cầu có bản cáo miễn phí qua mạng điện toán (www.annualcreditreport.com), qua số điện thoại (877-322-8228) hoặc gởi thơ (trước tiên quý vị phải tải xuống đơn yêu cầu có trên mạng điện toán, sau đó gởi đơn đã điền đến Annual Credit Report Request Service, P.O. Box 105283, Atlanta, GA 30348-5283).
Các bản báo cáo sẽ liệt kê đa số, nếu không phải là tất cả, các món nợ của quý vị. Nếu quý vị tìm một sự sai lầm nào trong bản báo cáo, gọi cho công ty để làm đơn khiếu nại. Luật pháp buộc công ty báo cáo tín dụng phải kiểm chứng các dữ kiện với công ty cung cấp nó và xoá đi dữ kiện không chính xác trong bản báo cáo tín dụng của quý vị.
Nói chuyện với chủ nợ. Trình bày hoàn cảnh và giải thích quý vị muốn trả hết nợ. Quý vị có thể dàn xếp kế hoạch trả nợ hay điều đình để tiền nợ được giảm. Hãy hỏi từng chủ nợ đồng ý với kế hoạch tình nguyện trả nợ của quý vị. Để xem họ sẽ bớt bất cứ tiền lời hay tiền phạt quý vị nợ. Nếu bớt tiêu xài, quý vị có thể trả hết nợ trong một thời gian hợp lý.
Nên nghĩ đến gặp cơ quan tư vấn về tín dụng. Nếu chủ nợ không chịu làm việc trực tiếp với quý vị, có rất nhiều cơ quan tín nhiệm cung ứng chương trình hướng dẫn tín dụng, duyệt qua bản báo cáo tín dụng, các trợ giúp hoạch định chi tiêu và quản lý nợ nần. Để kiếm một cơ quan tư vấn tín dụng, xin liên lạc với Cơ Quan Tư Vấn Tín Dụng Toàn Quốc (National Foundation for Credit Counseling – NFCC) trên mạng điện toán (www.nfcc.org) hay gọi số (800-388-2227)- Nhiều cơ quan NFCC có liên hệ với các cơ quan tư vấn tín dụng (thường gọi là “Consumer Credit Counseling Services” hay CCCSs) có tư vấn miễn phí và tính lệ phí cho kế hoạch quản lý nợ với giá phải chăng dựa theo mức thâu nhập của quý vị. Nếu quý vị tham gia vào kế hoạch quản lý nợ, tư vấn viên của quý vị sẽ đại diện cho quý vị liên lạc với chủ nợ. Đôi khi chủ nợ sẽ cho miễn trả tiền lời và lệ phí trả trễ hạn khi quý vị ghi danh vào một kế hoạch trả nợ đáng tin tưởng. Chỉ nên làm việc với các cơ quan tư vấn tín dụng có uy tín – tránh xa bất cứ các mời mọc rêu rao họ có thể xoá sạch hết nợ cho quý vị.
Thử mượn tiền hay lấy tiền từ giá trị căn nhà. Hãy thử mượn tiền từ người thân trong gia đình hay bạn bè đồng ý cho mượn nếu quý vị trả lại họ trong thời hạn ấn định cộng với tiền lời biết điều. Nếu quý vị là chủ căn nhà, nên nghĩ đến tái mượn nợ (refinancing), mượn thêm nợ thứ hai trên căn nhà hay mượn tiền thế chấp nhà để trả sạch nợ của quý vị. Nên cẩn thận – nếu quý vị không thể trả nợ nhà hàng tháng, ngân hàng có thể bán căn nhà của quý vị và đuổi quý vị ra khỏi nhà.
Nhiều công ty đang săn tìm người tiêu thụ đang kiếm cách thoát nợ. Nên cảnh giác với các công ty rêu rao phương cách dễ dàng để thoát nợ – họ có thể là các cơ quan tư vấn vụ lợi (ngay cả khi họ nói họ là cơ quan vô vụ lợi) hay các công ty khuyến khích phá sản là cách nhanh và dễ để thoát nợ. Nhất là tránh bất cứ các quảng cáo nào rêu rao “debt consolidation mortages” (nợ nhà gộp lại một mối.) Điều tra bất kỳ công ty hay cơ quan ttrước khi nói chuyện với nhân viên đại diện của họ, và đừng ký vào bất kỳ hợp đồng hay trả tiền cho đến khi quý vị cảm thấy tự tin đủ đây là chuyện đáng làm.
Tôi Có Cần Luật Sư Không?
Quý vị có thể khai phá sản diện pro se (không cần sự giúp đỡ của luật sư) thế nhưng dựa theo Toà Án Xử Phá Sản Hoa Kỳ (U.S. Bankruptcy Court) thì việc này sẽ thật khó vô cùng để đưa đến thành công khi khai phá sản. Cho dù luật pháp buộc các luật sư chuyên về phá sản nói quý vị không cần một luật sư để khai phá sản, cố vấn chuyên môn có thể giúp bảo vệ quyền lợi của quý vị trong tiến trình luật pháp phức tạp này. Ngân hàng quý vị nợ hầu như sẽ có luật sư đại diện cho họ. Ít ra, quý vị nên tư vấn với một luật sư trước khi quyết định khai một mình.
Hỏi bạn bè và gia đình nếu họ có thể giới thiệu một luật sư. Nếu không, Hiệp Hội Luật Sư Toàn Quốc Chuyên Về Phá Sản cho Người Tiêu Thụ (National Association of Consumer Bankruptcy Attorneys) có liệt kê danh sách các luật sư hội viên của Hiệp Hội. Tìm trong trang chủ, bấm chỗ “Find An Attorney.” Tìm một luật sư chuyên nghiệp và có nhiều năm kinh nghiệm về khai phá sản cá nhân. Trong nhiều trường hợp, các luật sư không tính tiền cho một lần tư vấn ngắn đầu tiên, nhưng để chắc ăn, quý vị nên hỏi họ về các lệ phí trước khi làm hẹn.
Luật sư chuyên về phá sản phải cho biết tất cả các lệ phí và chỉ có thể nhận trường hợp của quý vị sau khi quý vị đã ký tên vào một bản hợp đồng. Khi bị tính tiền, nên luôn yêu cầu có được sự giải thích về các lệ phí quý vị không hiểu. Luật sư chuyên về phá sản có thể chịu trách nhiệm, và bị phạt nếu hồ sơ khai của quý vị mang bất cứ các dữ kiện sai, vì thế họ phải xem xét chính xác các dữ kiện quý vị cho. Trong vài trường hợp, luật sư phá sản buộc thân chủ phải trả phí tổn kiếm giấy chủ quyền nhà và bản báo cáo tín dụng cần có để kiểm chứng các dữ kiện sẽ được cho vào hồ sơ.
Nếu quý vị không thể mướn một luật sư khai phá sản, quý vị có thể kiếm các dịch vụ pháp lý miễn phí hay giá hạ. Nên gọi cho hiệp hội luật gia địa phương hay tiểu bang hoặc toà án quận hạt hoặc coi trong trang vàng niên giám điện thoại dưới tiêu đề “Legal Aid” hoặc “Legal Assistance.” Quý vị cũng có thể viếng trang Legal Services Corporation và bấm vào “Find Legal Aid” tìm niên giám của từng tiểu bang.
Toà Xử Khai Phá Sản
Quý vị phải đệ đơn khai phá sản tại Toà Xử Khai Phá Sản Hoa Kỳ (U.S. Bankcruptcy Court Division) gần chỗ quý vị ở nhất. Nếu có mạng điện toán, quý vị có thể kiếm toà án phù hợp bằng cách vào trang mạng của “Federal Courts Finder”.
Quý vị có thể mua các mẫu đơn quý vị cần tại văn phòng lục sự về khai phá sản hay tải xuống đơn miễn phí trên mạng điện toán. Lệ phí đệ đơn phá sản cho Chương 7 là $335 và $310 cho Chương 13. Toà sẽ cần giấy chứng minh quý vị đã hoàn tất buổi tư vấn tín dụng, và các giấy tờ khai thuế cũ và các cùi phiếu lương. Quý vị cũng sẽ cung cấp các dữ kiện về các món nợ, các chủ nợ, nguồn thu nhập, mượn tiền, địa ốc, bất động sản cá nhân và chi phí cho đời sống. Các giấy tờ quý vị cần bao gồm thơ đòi nợ, nợ nhà, chủ quyền nhà, trát toà, lệnh toà, báo cáo thẻ tín dụng hàng tháng, hoá đơn khám bệnh, báo cáo hàng tháng của ngân hàng, thoả thuận trợ cấp con cái hay cấp dưỡng vợ/chồng cũ, nợ trường học và bấc kỳ các giấy khai phá sản trong quá khứ. Nếu quý vị mướn một luật sư đại diện, người đó sẽ biết quý vị cần những gì và biết cách thâu thập dữ kiện cho ăn ý với nhau.
Đệ đơn khai phá sản sẽ ngưng – hay “stay” (tạm ngưng) – các cố gắng đòi tiền từ phía chủ nợ của quý vị trong thời gian đệ đơn khai phá sản. Nếu chủ nợ tiếp tục đòi, họ sẽ bị phạt vì vi phạm lệnh của toà và bị buộc phải trả tiền thiệt hại. Tuy nhiên, nếu sau khi đệ đơn, quý vị còn thiếu chứng từ đòi hỏi của tòa, các chủ nợ có thể đệ đơn xin xoá bỏ lệnh ngưng đòi nợ đó. Nếu toà thấy có sự thiếu thành thật liên tục hay lạm dụng trong đơn phá sản, việc tạm ngưng đòi nợ sẽ bị hủy và các chủ nợ sẽ có thể đòi nợ quý vị.
Một nhân viên tài khoán (trustee) sẽ được bổ nhiệm để duyệt qua các đơn và chứng từ. Quý vị có thể giữ được nhà, xe hay các tư hữu khác mà toà nhận thấy cần thiết, nhưng nếu còn nợ tiền trên các tài sản này, quý vị phải tiếp tục trả. Trong một số trường hợp, quý vị có thể trả nợ có tài sản thế chấp ít hơn tổng số tiền nợ. Các món nợ như vậy có thể được giảm hay không còn tùy vào một số yếu tố khác nhau, như quý vị khai phá sản Chương 7 hay 13 và bất động sản thuộc loại nào, có giá ra sao. Để biết thêm chi tiết về luật phá sản có thể giúp giảm tiền nợ phải trả cho các món nợ có tài sản thế chấp, quý vị nên tham khảo với luật sư chuyên khai phá sản hay đọc sách của Nolo tựa đề “Secured Debts in Chapter 13 Bankruptcy” tức Nợ Có Tài Sản Thế Chấp Khi Khai Chương 13 và “Secured Debts in Chapter 7 Bankruptcy: An Overview” (Khái Quát về Nợ Thế Chấp Khi Khai Chương 17 - Sơ Lược.
Trong trường hợp điển hình khai phá sản Chương 7, quý vị thường sẽ được thông báo kết quả cuối cùng từ ba tới sáu tháng, và trong hầu hết trường hợp, các món nợ đạt tiêu chuẩn sẽ được xóa bỏ trong thời gian đó. Các món nợ trong Chương 13 được xoá khi kế hoạch trả nợ hoàn tất – thường trong vòng ba tới năm năm. Xóa nợ không có nghĩa nợ được tha, hủy bỏ hay biến mất. Nó có nghĩa các chủ nợ không còn được bắt quý vị phải trả nợ, nhưng họ vẫn có quyền đòi lại bất động sản họ có quyền lợi được bảo đảm trong đó.
Nếu Như…
Đây là các câu hỏi thường được hỏi về phá sản:
Chủ nhà có thể đuổi tôi ra khỏi nhà không? Phá sản không thể ngăn hay cản việc bị đuổi ra khỏi nhà nếu quý vị không trả tiền mướn sau khi đệ đơn khai phá sản.
Tôi sẽ mất việc hay khó kiếm việc không? Hãng quý vị làm hiện thời không được đuổi quý vị chỉ vì quý vị đã khai phá sản, và họ cũng không được kỳ thị quý vị. Nếu quý vị đang kiếm việc mới, các cơ quan của chính quyền không được phép dùng vụ khai phá sản để quyết định có mướn quý vị hay không. Nhưng luật này không áp dụng cho hãng tư. Nếu hãng định mướn quý vị muốn kiểm tra quá khứ tín dụng, cách tốt nhất nên giải thích trước cho họ về bản báo cáo tín dụng của quý vị và lý do. (Mười tiểu bang có luật hạn chế việc sử dụng dữ kiện về tín dụng trong tiến trình mướn người và nhiều tiểu bang khác cũng đang muốn làm như vậy. Quý vị nên liên lạc với bộ lao động để biết về luật lệ nơi tiểu bang quý vị cư ngụ.)
Tôi sẽ bị tù không? Không. Không có nhà tù nào nhốt người mắc nợ ở Hoa Kỳ cả.
Vợ/chồng của tôi có phải khai phá sản luôn không? Trong đa số trường hợp, không. Tuy nhiên, người vợ/chồng sẽ phải tiếp tục trả hết các món nợ nào cả hai cùng có trách nhiệm, ngay cả trách nhiệm trả nợ của quý vị được xí xoá vì đã khai phá sản.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi liệt kê món nợ mà tôi là người đứng tên chung (co-signed)? Trách nhiệm trả tiền của quý vị sẽ được bãi bỏ, nhưng người đứng tên chung sẽ bị lãnh trách nhiệm cho hết thảy món nợ. Nếu món nợ đứng tên chung không bị chểnh mảng, quý vị có thể “reaffirm” (tái xác nhận) nó trong đơn khai phá sản. (Điều này có nghĩa, với sự cho phép của nhân viên tài khoán, quý vị sẽ từ bỏ bất cứ quyền được bảo vệ khỏi chủ nợ nếu quý vị không trả được nợ trong tương lai.)
Tôi có phải trả lại thẻ tín dụng không? Tùy vào công ty tín dụng của quý vị. Nếu quý vị tái xác nhận trách nhiệm trả món nợ này trong thời gian đệ đơn khai phá sản, quý vị có thể giữ được thẻ. Tuy nhiên, công ty cấp thẻ tín dụng có thể đóng trương mục của quý vị nếu họ muốn.
Tôi có phải trả lại thuế còn thiếu không? Trong đa số trường hợp, quý vị phải trả. Như Nolo.com đã giải thích, quý vị có thể không phải trả nợ thuế liên bang khi khai Chương 7, nhưng chỉ trong trường hợp quý vị đủ tiêu chuẩn cho một số điều kiện liên quan đến các yếu tố như thời gian mắc nợ và nợ khi nào, hay nếu quý vị đã có khai thuế. Cho dù được miễn trả nợ thuế này, nhưng khai phá sản sẽ không xóa bỏ các món nợ thuế có tài sản thế chấp quý vị đã khai trước khi khai phá sản (đã khai báo với văn phòng lưu trữ hồ sơ của quận hạt (“recorder’s office”), nghĩa là quý vị phải trả nợ thuế trước khi quý vị được bán các tài sản có thế chấp đó. (Nên chuẩn bị: Toà xử khai phá sản buộc quý vị phải nộp giấy đã khai thuế (không quá bảy ngày) cho năm thuế gần đây nhất, trước ngày họp đầu tiên với chủ nợ.)
Làm Lại Tín Dụng
Đệ đơn khai phá sản sẽ ảnh hưởng xấu đến hồ sơ tín dụng. Quý vị có thể khó xin được thẻ tín dụng mới. Tuy nhiên, quý vị có thể xin được một thẻ tín dụng thế chấp (secured credit card) khi vụ khai phá sản của quý vị kết thúc. Ngay cả người với tín dụng xấu có thể xin được thẻ tín dụng thế chấp bằng cách ký thác tiền vào trương mục tiết kiệm mà chủ nợ có thể lấy số tiền này ra nếu quý vị lỡ không trả được nợ. Giá trị tiền mặt có trong thẻ tín dụng thường bằng với số tiền quý vị ký thác trong trương mục.
Một số công ty cấp thẻ tín dụng chịu cấp thẻ tín dụng mới cho người vừa khai phá sản vì họ biết những người đã khai phá sản không thể nào khai lần nữa trong nhiều năm. Các mời mọc cấp cho thẻ thường kèm theo các điều kiện rất tệ như lãi xuất và lệ phí phạt cao. Vì vậy, nên cẩn thận khi hồi đáp các mời mọc này.
Nguồn Hướng Dẫn Thêm
Legal Information Institute (Học Viện Pháp Lý Cornell)
Bấm vào “Get the Law” hay “Legal Encyclopedia” để kiếm hướng dẫn về nhiều đề tài pháp lý, bao gồm phá sản.
Nolo Press
Viếng mạng điện toán của nhà xuất bản chuyên về pháp lý, hướng dẫn người tiêu thụ về luật pháp với nhiều đề tài bao gồm nợ, đòi nợ và phá sản.
The National Association of Consumer Bankruptcy Attorneys
Bấm vào “Find An Attorney” để biết danh sách các luật sư hội viên.
The National Foundation for Credit Counseling (NFCC)
Phone: 800-388-2227
Gọi hay viếng trang điện toán để kiếm một cơ quan tư vấn tín dụng cung ứng các dịch vụ quý vị cần, bao gồm tư vấn phá sản và giáo dục. Nếu quý vị cần tư vấn về tín dụng trước khi khai phá sản, quý vị cũng có thể tìm một cơ quan được Nha Tài Khoán Hoa Kỳ cấp chính thức công nhận trên mạng điện toán (được liệt kê dưới đây).
Nha Tài Khoán Hoa Kỳ (U.S. Trustee)
Tìm các cơ quan có chứng chỉ hành nghề cung ứng các tư vấn tín dụng trước khi khai phá sản và hướng dẫn quản lý tài chánh sau khi khai phá sản, cũng như đăng bảng tiêu chuẩn về thẩm tra tiền bạc khi khai phá sản (bankruptcy means testing.)
Published / Reviewed Date
Published: December 21, 2017
Download File
Personal bankruptcy: Your financial fresh start (Vietnamese)
File Name: Bankruptcy_2017_VN.pdf
File Size: 1.19MB
Sponsors
Notes
Ngân quỹ từ Dự Án Quản Lý Tài Chánh của Cơ Quan Consumer Action đã tài trợ để cập nhật hoá bản hướng dẫn này.
Filed Under
Bankruptcy ♦ Credit ♦ Consumer Rights ♦ Credit Cards ♦ Debt Collection ♦ Foreclosure ♦
Copyright
© 2017 –2024 Consumer Action. Rights Reserved.