Debtors’ Rights (Vietnamese)

Quyền của Người Mắc Nợ - Tự Bảo Vệ Quý Vị Không Bị Kiện Vì Mắc Nợ

Protecting yourself from debt collection lawsuits

Tập hướng dẫn này giúp người tiêu thụ hiểu cách nói chuyện với văn phòng đòi nợ, quyền của họ là gì và các lựa chọn khi bị văn phòng đòi tiền kiện ra toà, các bước cần làm để tránh bị kiện, tìm hướng dẫn và cố vấn pháp lý ở đâu, tổng hợp tiến trình hồi đáp một vụ kiện, quyền của người tiêu thụ nếu thua kiện và cách nộp đơn khiếu nại văn phòng đòi nợ.

This 16-page guide helps consumers who owe money understand how to avoid a debt collection lawsuit, what the legal process is if they can’t avoid being sued, their rights if they lose the suit and how to file a complaint against a debt collector.

Nếu quý vị có thể bị kiện hay đã bị văn phòng đòi nợ kiện vì mắc nợ, quý vị cần biết quyền hạn và các lựa chọn của quý vị.

Luật của chính phủ liên bang và tiểu bang kiểm soát cơ sở đòi nợ được và không được làm gì.

Trong một số trường hợp, các luật này đưa đến kết quả vụ kiện bị bác hay giải quyết ổn thoả mà phần lợi nghiêng về quý vị.

Tập hướng dẫn này giúp quý vị hiểu:

  • Các quyền và lựa chọn của quý vị khi trực diện với vụ kiện hay có thể bị kiện;
  • Cách nói chuyện với văn phòng đòi nợ
  • Các bước quý vị cần nên làm để tránh bị kiện;
  • Tiến trình thông thường để hồi đáp khi bị kiện;
  • Chuyện gì có thể xảy ra nếu quý vị thua kiện;
  • Đệ đơn khiếu nại ở đâu nếu quyền của quý vị bị vi phạm, và
  • Các cơ quan pháp lý trợ giúp miễn phí hay tính giá phải chăng.

Tập cẩm nang này đơn thuần chỉ để hướng dẫn và không mang mục đích cố vấn pháp lý. Quý vị nên liên lạc với luật sư có có khả năng và kinh nghiệm trong tiểu bang quý vị ở để được tư vấn cho các vấn đề cụ thể của quý vị. Có các văn phòng cố vấn pháp lý miễn phí hay tính giá phải chăng.

Các quyền của quý vị khi mắc nợ

Người tiêu thụ ở Hoa Kỳ đều được hưởng quyền bình đẳng như nhau trong các quy luật của chính phủ liên bang về đòi nợ. Hầu hết các tiểu bang cũng có luật đòi nợ riêng. Các luật này cũng giống như luật bảo vệ người tiêu thụ của liên bang, nhưng ở một số tiểu bang, luật bảo vệ nhiều và mạnh hơn.

Quyền Được Chính Phủ Liên Bang Bảo Vệ

Luật liên bang dựa trên Sắc Luật Fair Debt Collection Practices Act (FDCPA) để kiểm soát chính yếu các cơ sở đòi nợ. Nha Thanh Tra Mậu Dịch Liên Bang FTC (Federal Trade Commission) và Văn Phòng Bảo Vệ Tài Chánh Của Người Tiêu thụ CFPB (Consumer Financial Protection Bureau) đặc trách thi hành sắc luật này, nghiêm cấm văn phòng đòi nợ không được dùng các thủ đoạn bất công, hà lạm hay gian trá để đòi nợ. Chiếu theo luật, các văn phòng đòi nợ phải làm theo các ấn định (thí dụ, gởi thơ thông báo về món nợ và ngưng đòi nợ cho đến khi họ đã gởi thơ hồi đáp các đòi hỏi kiểm chứng món nợ của quý vị), họ có thể làm các việc cụ thể (thí dụ, liên lạc với quý vị tại sở làm trừ khi quý vị không cho phép) và không được làm các việc nào đó (như gọi điện thoại cho quý vị vào giờ cụ thể, liên lạc trong lúc hay tại nơi quý vị đã nói với họ không thuận tiện cho quý vị hoặc hù sẽ kiện quý vị ra toà dù họ sẽ không làm hay không thể kiện.)

Sắc Luật FDCPA chỉ áp dụng cho các cơ sở đòi nợ. Bao gồm các văn phòng đại diện đòi tiền cho chủ nợ, luật sư chuyên về đòi nợ, và công ty mua lại các món nợ chưa trả và họ cố gắng đòi tiền lại (công ty mua nợ). Sắc luật thường không áp dụng cho chủ nợ gốc (công ty quý vị đã mượn tiền của họ). Luật áp dụng cho các món nợ mua nhà, thẻ tín dụng, phí tổn chữa bệnh, và các món nợ khác chủ yếu cho mục đích cá nhân, gia đình hay cả hộ. Luật không áp dụng cho các món nợ liên quan đến thương mại.

Nha Thanh Tra FTC đã đúc kết các điểm quan trọng trong Sắc Luật FDCPA thành một tài liệu dễ đọc và miễn phí, quý vị có thể tìm thấy trên mạng điện toán [bit.ly/FTC-debt-collection]. Cơ Quan Tác Động Giới Tiêu Thụ (Consumer Action) cũng phổ biến bản hướng dẫn rõ ràng về Sắc Luật FDCPA [bit.ly/ca-fdcpa].

Quyền Được Tiểu Bang Bảo Vệ

Hầu hết các tiểu bang đều có quy luật riêng để kiểm soát cách làm việc của các văn phòng đòi nợ, và một số luật còn chặt chẽ hơn cả luật FDCPA của liên bang. Thí dụ, Sắc Luật của tiểu bang California mang tên Fair Debt Collection Practices Act bao gồm nhiều loại văn phòng đòi nợ hơn, kể cả các chủ nợ gốc tự đòi nợ của họ.

Quý vị có thể tìm đọc các luật lệ của tiểu bang về đòi nợ cho công bằng, nếu có, tại trang mạng của Nolo [bit.ly/Nolo-state-debt-laws] và tại trang mạng của The Privacy Rights Clearinghouse [https://www.privacyrights.org/consumer-guides/debt-collection-and-your-rights]. Quý vị cũng có thể liên lạc với văn phòng biện lý của tiểu bang [bit.ly/find-ag] để biết thêm chi tiết về các luật lệ trong tiểu bang quý vị ở.

Luật tiểu bang cũng giới hạn thời gian kiện (hạn chót để đệ đơn kiện) cho nhiều loại nợ khác nhau. Món nợ trở thành “khoá sổ” (time-barred) khi thời hạn được kiện đã hết - hay nói cách khác, người đòi nợ đã không kiện quý vị trước ngày hết hạn. Một khi người đòi nợ đã bỏ lỡ cơ hội được kiện, họ không còn được đem quý vị ra toà. Nhưng không có nghĩa quý vị hết mắc nợ hay người đòi nợ ngưng cố gắng đòi cho bằng được. (Tuy nhiên, chiếu theo Sắc Luật FDCPA quý vị có thể gởi thơ đến cơ sở đòi nợ yêu cầu họ không được liên lạc với quý vị nữa). Nếu cơ sở đòi nợ báo cáo món nợ tới văn phòng báo cáo tín dụng, nó cũng không có nghĩa món nợ chưa trả sẽ được xoá trong bản báo cáo tín dụng của quý vị. Các tin tức xấu (tiêu cực) sẽ được để trong bản báo cáo tín dụng của quý vị trong bảy năm, còn tin tức phá sản cá nhân trong 10 năm.

Để biết thêm chi tiết, xin xem bản tin xác thật của Nha Thanh Tra FTC tựa đề “Time-Barred Debts”. Quý vị cũng có thể biết về thời gian giới hạn được kiện tại trang mạng của Bankrate hay tại Nolo.com. Để biết thêm chi tiết về thời hạn còn kiện được tính toán ra sao (hay khi đồng hồ bắt đầu điểm) và trong trường hợp nào vụ kiện bị bãi bỏ, xin đọc bài “Calculating the Status of Limitations” của Nolo. Nên nhớ, hạn chót để kiện không áp dụng cho các hoá đơn nợ thuế liên bang và tiểu bang, nợ học phí mượn của chính phủ liên bang hay tiền chu cấp cho vợ/chồng cũ và con cái sau khi ly dị.

Một số tiểu bang buộc văn phòng đòi nợ phải có giấy phép hành nghề. Nếu một văn phòng đòi nợ kiện quý vị và thắng kiện nhưng không có giấy phép hành nghề, án lệnh của toà coi như bị bãi bỏ. Quý vị có thể biết văn phòng đòi nợ đó có giấy phép hành nghề trong tiểu bang của quý vị hay không bằng cách liên lạc với biện lý cuộc (văn phòng đòi nợ chỉ cần xin một giấy phép thương mại thông thường để mở văn phòng ở California.)

Hầu hết các tiểu bang có ấn định một giới hạn về lãi suất, luật “usury” cấm chủ nợ tăng lãi suất cho vay lên cao vô lý. Nếu tiền cho vay vượt quá lãi suất tối đa tiểu bang cho phép, chủ nợ có thể bị phạt, một phần tiền lời có thể được xoá bỏ hay hợp đồng có thể bị coi như không thể thực thi. Quý vị có thể thấy danh sách liệt kê lãi suất giới hạn của chính phủ tiểu bang chỉ định tại LendingKarma.com. Rất tiếc, các luật “usury” cấm tăng vô lý lãi suất cho vay không áp dụng với loại nợ cụ thể (thí dụ các nợ thương mại) hay với các ngân hàng, ngân hàng tiết kiệm và cho vay, hay ngân hàng công đoàn, vì thế luật cũng không áp dụng cho thẻ tín dụng. Chiếu theo quy luật của chính phủ liên bang, những chủ nợ này được phép tính lãi suất cho vay và lệ phí cao hơn mức mà luật tiểu bang cho phép, nếu có. Câu hỏi đặt ra ở đây, các cơ sở mua lại nợ (người thu mua các món nợ chưa trả từ chủ nợ gốc với giá rẻ hơn số tiền nợ chưa trả và họ cố gắng đòi hết số tiền nợ) có thể tiếp tục tăng lãi suất cho vay cao hơn mức giới hạn mà luật “usury” của tiểu bang ấn định sau khi họ mua các món nợ từ ngân hàng hay từ các chủ nợ được miễn theo luật trên hay không. Cách tốt nhất, quý vị nên liên lạc với một luật sư để được hướng dẫn và cố vấn về chuyện này.

Khi văn phòng đòi nợ liên lạc với quý vị

Để bảo vệ sự riêng tư của quý vị, người đòi nợ liên lạc với quý vị qua điện thoại phải kiểm chứng danh tánh cá nhân của quý vị trước khi tiết lộ tin tức về món nợ. Một khi họ đã khẳng định đúng là quý vị, họ phải cho quý vị biết mục đích của cuộc gọi và họ chính là người đòi nợ. Nếu yêu cầu, người đòi nợ phải cho quý vị biết tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ trang mạng điện toán của công ty đòi nợ. Nếu quý vị nghi ngờ về sự xác tín của cuộc gọi, hay không muốn xác nhận danh tính cá nhân của quý vị qua điện thoại, quý vị có thể nói với người đòi nợ quý vị muốn họ gởi một thơ thông báo đến địa chỉ họ có trong hồ sơ, trước khi quý vị nói chuyện thêm với họ.

Trong vòng 5 ngày tính từ ngày đầu tiên liên lạc với quý vị, văn phòng đòi nợ phải gởi cho quý vị một “thông báo xác nhận.” Trong thông báo này phải có các chi tiết về món nợ, bao gồm số tiền nợ, lệ phí và lãi suất gộp lại, và tên của chủ nợ nguyên thuỷ. Thơ cũng phải giải thích về các quyền của người tiêu thụ, bao gồm quyền đối chất món nợ. Nếu văn phòng đòi nợ không gởi thơ chính thức này trong vòng năm ngày, nhưng tiếp tục đeo đuổi quý vị để đòi nợ, họ đã vi phạm luật FDCPA và quý vị có quyền kiện họ.

Để bảo vệ quyền của mình, quý vị phải đối chất về món nợ, đòi chứng minh món nợ (chi tiết cho biết quý vị có mắc nợ) và/hay viết thơ đòi biết tên và địa chỉ của chủ nợ gốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày quý vị nhận được thơ thông báo chính thức. (Có thời hạn này để quý vị thấy tầm quan trọng của vụ việc và đừng tỉnh bơ người đòi nợ chính thức.) Văn phòng đòi nợ không có hạn chót để hồi đáp, nhưng họ phải ngưng các hoạt động đòi tiền cho đến khi họ gởi thơ hồi đáp đến quý vị. Họ sẽ bắt đầu đòi tiền sau khi đã cung cấp cho quý vị các tin tức quý vị yêu cầu và/hay chứng minh quý vị là người nợ số tiền đó. Nếu quý vị bỏ lỡ cơ hội đối chất trong vòng 30 ngày, văn phòng đòi nợ sẽ cho rằng món nợ đó đúng là của quý vị (họ không cần kiểm chứng) và tiếp tục đòi nợ trong vòng 30 ngày và sau đó. Tuy nhiên, quý vị có thể đối chất về món nợ bất cứ lúc nào cho dù nó sẽ không khiến bên đòi nợ ngưng đòi. (Văn Phòng Bảo Vệ Tài Chánh Của Người Tiêu Thụ DFPB (The Consumer Financial Protection Bureau) cung cấp năm loại mẫu thơ viết sẵn để quý vị có thể dựa theo đó viết lại cho phù hợp với trường hợp của quý vị và gởi thơ đến cơ sở đòi nợ, đối chất món nợ, yêu cầu được biết thêm chi tiết hay khẳng định cách quý vị muốn được liên lạc: http://1.usa.gov/1mpCrz5).

Các lý do để đối chất một món nợ bao gồm:

  • Món nợ là hậu quả của một vụ ăn cắp danh tính cá nhân.
  • Nhầm lẫn quý vị với người khác.
  • Món nợ chi phí bệnh lý đáng lẽ đã được hãng bảo hiểm, Medicaid hay Medicare, v.v…trả.
  • Quý vị không đồng ý với số tiền nợ.
  • Số tiền nợ nhiều hơn số tiền quý vị thật sự nợ vì lệ phí cao và lãi suất phạt đã bị người đòi nợ cộng thêm vào.
  • Quý vị đã trả hay món nợ đã được giải quyết ổn thoả.
  • Món nợ quá cũ (khoá sổ). (Nếu không rõ thời hạn ấn định bên đòi nợ còn kiện được, quý vị nên hỏi họ trực tiếp. Nếu có câu trả lời, đó chính là sự thật. Quý vị cũng có thể hỏi bên đòi nợ cho biết ngày cuối cùng quý vị trả nợ. Nó sẽ giúp quý vị biết tính thời hạn còn bao nhiêu ngày để bên đòi nợ được quyền kiện quý vị. Nếu món nợ đã hết hạn để đòi và quý vị không muốn trả, quý vị cần viết thơ yêu cầu văn phòng đòi nợ ngưng liên lạc với quý vị. Đừng nhận có mắc nợ hay trả nợ vì làm như vậy thời hạn kiện được sẽ được gia hạn thêm hay hết khoá sổ.)

Nhiều văn phòng đòi nợ cố gắng gọi điện thoại cho quý vị lúc đầu, nhưng không phải nơi nào cũng làm như vậy. Nếu họ gởi thơ trước, quý vị vẫn có quyền như khi họ gọi. Khi nhận được thơ, quý vị nên đọc kỹ. Quý vị phải hồi đáp, trừ khi có lý do tin rằng lá thơ là giả mạo. Đừng tỉnh bơ thơ của văn phòng đòi nợ!

Để biết thêm chi tiết xin đọc bài “Có quy luật nào hạn chế văn phòng đòi nợ nói hay làm gì không?” trong trang mạng của CFPB [http://bit.ly/2alYTXp] và bài “Khi văn phòng đòi nợ gọi: Hướng dẫn người trong cuộc hồi đáp với bên đòi nợ” của Cơ Quan Consumer Action [http://bit.ly/1QqyuaN].

Luôn giữ các bản sao và chứng từ hay cuộc nói chuyện của quý vị với nơi đòi nợ. Các chứng từ có giá trị như thơ emails hồi đáp, thơ xác nhận qua máy fax, hay biên nhận thơ bảo đảm gởi lại.

Tránh bị văn phòng đòi nợ giả mạo lừa

Nhiều văn phòng đòi nợ có thật, nhưng cũng có nhiều văn phòng giả hiệu, nhiều nơi giả dạng là người đòi tiền đến thâu các món nợ “mơ hồ” hay “ma” — là các món nợ không hiện hữu vì nó đã được trả hết, miễn trả, tha thứ, khoá sổ (quá thời hạn để đòi) hay hoàn toàn bịa đặt. Các nạn nhân chịu trả vì sợ hãi nên tưởng rằng họ có mắc nợ thật nên sẽ bị hậu quả nặng nề nếu họ không trả. Hoặc kẻ đòi nợ giả mạo muốn thâu thập các tin tức cá nhân để ăn cắp danh tính cá nhân của người khác cho mục đích bất chính.

Các dấu hiệu người đòi nợ là kẻ gian gọi điện thoại:

  • Người gọi không thể cung cấp tên, địa chỉ và bốn số cuối thẻ an sinh xã hội của quý vị.
  • Người gọi yêu cầu quý vị đọc hết số an sinh xã hội, ngày tháng năm sinh hay các chi tiết cá nhân trọng yếu khác.
  • Người gọi từ chối không cung cấp chi tiết về văn phòng đòi nợ hay món nợ.
  • Quý vị không biết gì về món nợ này.
  • Người gọi tự nhận họ từ cơ quan của chính phủ, như Sở Thuế Vụ IRS, và kêu quý vị chuyển tiền qua ngân hàng hay bỏ tiền vào thẻ trả trước không giới hạn và đưa mật số của thẻ (cơ quan chính phủ sẽ không bao giờ yêu cầu quý vị làm như vậy).
  • Người gọi xách nhiễu quý vị, hăm doạ sẽ bị bắt giam, chửi tục hay từ chối không cho quý vị nói chuyện với người quản lý.
  • Người gọi nói quý vị phải trả nợ ngay lập tức, hoặc khác.
  • Người gọi không gởi cho quý vị thơ thông báo chính thức.

Quý vị không nhận ra tên của văn phòng đòi nợ không có nghĩa nó giả mạo. Đôi khi các món nợ đã được bán đi hợp pháp, cơ sở phục vụ khách hàng thay đổi (nhất là cho các món nợ địa ốc và học phí) cũng như các công ty (đặc biệt là các ngân hàng) được các công ty khác mua lại. Các văn phòng đòi nợ cũng mang tên công ty khác trong tiểu bang họ có giấy phép hành nghề vì tên chính của họ quá trùng với tên của các cơ sở thương mại khác đã có giấy phép hành nghề ở tiểu bang đó.

Mỗi lá thơ của văn phòng đòi nợ gởi cho quý vị phải có huy hiệu, địa chỉ và số điện thoại của họ giống như tên, địa chỉ và số điện thoại người goi đòi nợ cung cấp. Dùng các chi tiết này để tìm trên mạng điện toán văn phòng đó có thật không. Trong lúc chờ và cho đến khi xác minh được văn phòng đòi nợ mà người gọi đại diện là có thật và họ liên lạc về món nợ quý vị chưa trả, nên:

  • Từ chối nói chuyện (hay trả nợ) cho đến khi quý vị nhận được thơ thông báo chính thức về món nợ và về văn phòng đòi nợ.
  • Đừng cho các chi tiết trọng yếu về cá nhân hay ngân hàng như trương mục ngân hàng, thẻ tín dụng hay số An Sinh Xã Hội.
  • Nếu bên đòi nợ nói họ từ cơ quan của chính phủ, tìm số điện thoại chính thức của văn phòng đòi nợ và gọi để xác minh. Đừng đoán mò số gọi hiện lên trong điện thoại của quý vị là số của văn phòng đòi nợ — kẻ gian có thể dùng công cụ kỹ thuật để dấu số điện thoại của họ.
  • Nếu quý vị nghĩ món nợ là đúng, nên liên lạc với chủ nợ gốc để kiểm chứng món nợ đã được chuyển sang hay đã bán cho văn phòng đòi nợ đã gọi cho quý vị.

Liên Lạc Với Văn Phòng Đòi Nợ

Một khi quý vị biết người gọi đúng là từ văn phòng đòi nợ và quý vị có mắc nợ, đây là lúc quý vị cần nói chuyện với họ. Quý vị có quyền yêu cầu bên đòi nợ không được liên lạc với quý vị, nhưng trốn tránh không trả lời điện thoại hay thơ gởi của văn phòng đòi nợ chính thức sẽ khiến họ nhanh chóng có các biện pháp khác như đệ đơn kiện. (Quý vị có thể yêu cầu họ đừng gọi quý vị và lần tới chỉ nên gởi thơ cho quý vị.)

Không liên lạc hoàn toàn với văn phòng đòi nợ chính thức không phải là quyết định khôn ngoan, quý vị thật ra có quyền yêu cầu bên đòi nợ chỉ được liên lạc với quý vị khi nào. Người đòi nợ không được liên lạc với quý vị trong giờ hay nơi chốn không thuận tiện cho quý vị. Nhớ gởi thơ yêu cầu. Người đòi nợ có thể không gọi quý vị ở sở làm nếu quý vị cho họ biết (bằng lời hay thơ) rằng quý vị không được trả lời điện thoại trong sở. (Dù trong trường hợp này không cần phải viết thơ, nhưng quý vị nên khôn ngoan gởi thơ nhắc văn phòng đòi nợ việc này để có một hồ sơ lưu về lời yêu cầu của quý vị.)

Nếu văn phòng đòi nợ biết quý vị có luật sư đại diện cho quý vị, họ phải liên lạc với luật sư thay vì với quý vị nếu họ có hay dễ tìm tên và thông tin liên lạc của luật sư. (Quý vị cần cung cấp cho họ, nếu cần.)

Trong lúc nói chuyện với bên đòi nợ, giữ bình tĩnh và lễ độ — cuộc nói chuyện sẽ nghiêng về phía có lợi cho quý vị. Sắc luât FDCPA cấm người đòi nợ không được dùng ngôn ngữ lỗ mãng hay chửi tục; quý vị cũng không được làm vậy.

Giữ tất cả các chi tiết đã viết xuống về cuộc nói chuyện với người đòi nợ, bao gồm ngày, giờ và nội dung cuộc nói chuyện. Nó sẽ giúp quý vị nhớ lại đã bàn thảo về chuyện gì và nó sẽ là hồ sơ lưu nếu người đòi tiền vi phạm bất cứ điều gì trong sắc luật FDCPA.

Văn phòng đòi nợ và cơ quan báo cáo tín dụng

Người tiêu thụ có thêm một quyền quan trong khác, đó là cứ cách 12 tháng, họ có quyền xin bản báo cáo tín dụng miễn phí từ ba cơ quan báo cáo tín dụng chính (Equifax, Experian và TransUnion) tại www.AnnualCreditReport.com. Nó sẽ giúp quý vị biết mình nợ cái gì và tình trạng ra sao. Không phải món nợ trễ hạn nào cũng đều bị gởi tới văn phòng báo cáo tín dụng, nhưng đa số bị gởi. Quý vị có thể thấy được nhiều chi tiết trong bản báo cáo tín dụng, trong một số trường hợp, biết chủ nợ gốc là ai, món nợ đã chuyển giao hay bán cho văn phòng đòi nợ khi nào, số tiền nợ còn lại bao nhiêu, lần cuối trả nợ v.v. Nếu món nợ không thấy trong bản báo cáo tín dụng, nó có thể vẫn hiện hữu, nhưng quý vị cần được có chứng cớ.

Nếu quý vị đối chất về món nợ, văn phòng đòi nợ không được phép báo cáo món nợ tới cơ quan báo cáo tín dụng trừ khi và cho đến khi nó được kiểm chứng. Nếu món nợ đã bị báo cáo, văn phòng đòi nợ phải thông báo cho các cơ quan báo cáo tín dụng rằng món nợ đang trong giai đoạn đối chất. Sau khi kiểm chứng món nợ, văn phòng đòi nợ có thể báo cáo, nhưng chỉ được báo cáo món nợ trong tình trạng “đối chất.” Văn phòng đòi nợ sẽ vi phạm Sắc Luật FDCPA và Sắc Luật The Fair Credit Reporting Act (FCRA) nếu họ báo cáo một món nợ mà họ biết hay phải biết nó không đúng.

Nếu quý vị bị văn phòng đòi nợ kiện, quý vị sẽ nhận được trát toà (summons). Đến lúc này, tốt nhất, quý vị nên tư vấn với luật sư.

Vì bên đòi nợ thường muốn lấy lại tiền chứ không muốn kiện. Đôi khi cách tốt nhất để tránh bị kiện là nói chuyện với bên đòi nợ. Mục đích để bảo đảm với họ quý vị muốn trả nợ hay quý vị không thể trả được nợ. (Vì khó đoán được toà sẽ phân xử vụ kiện ra sao, cách hay nhất quý vị nên tư vấn với một luật sư trước khi tự quyết đoán quý vị không phải trả nợ vì không kiếm ra tiền hay tài sản hoặc tiền kiếm ra được bảo vệ. Xin xem phần “nếu quý vị thua kiện” dưới đây để biết thêm chi tiết.)

Nếu quý vị thật sự có tiền lương hay tài sản mà quan toà ra lệnh phải dùng để trả nợ, quý vị nên tình nguyện đề nghị một kế hoạch trả nợ hay giải pháp ổn thoả. Giải pháp ổn thoả (settlement) nghĩa là quý vị trả một số tiền ít hơn số tiền nợ nhưng vẫn được coi là đã trả hết nợ. Thế nhưng, xin nhắc lại, đây là quyết định vô cùng quan trọng, vì thế quý vị nên tư vấn với chuyên viên tư vấn của một cơ quan nhiều kinh nghiệm về tín dụng hay một luật sư chuyên về luật đòi nợ.

Khi đang cố gắng thương lượng một giải pháp ổn thoả hay kế hoạch trả nợ, quý vị cần nên biết quý vị đang nói chuyện với ai, bên đòi nợ đại diện cho chủ nợ gốc hay “người mua lại nợ” là người mua lại các món nợ chưa trả với giá rẻ rồi sau đó họ ráng đòi người mắc nợ được đồng nào hay đồng đó. Cơ sở mua lại nợ đôi khi uyển chuyển hơn về chịu nhận số tiền trả nợ hay phần trăm thấp hơn so với tiền nợ gốc. Một cách để biết quý vị đang đối phó với bên mua lại nợ là khi quý vị thấy trong bản báo cáo tín dụng của quý vị, chủ nợ gốc để con số $0 là số tiền quý vị nợ họ — nghĩa là trương mục mắc nợ của quý vị đã bị bán. (Cho dù số tiền nợ chủ nợ là $0, bản báo cáo tín dụng của quý vị vẫn phản ánh “charge-off.”) Quý vị vẫn có thể hỏi chủ nợ họ đã bán trương mục của quý vị chưa. Hay quý vị tìm công ty đang cố gắng đòi nợ trên mạng điện toán để biết đó là cơ sở trung gian đòi nợ hay là cơ sở mua lại nợ. ACA International, là hiệp hội đòi nợ, cung cấp các tin tức và hướng dẫn cho người tiêu thụ tại trang mạng “Ask Doctor Debt” của họ tại.

Trước khi đề nghị một kế hoạch giải quyết ổn thoả hay trả hết nợ, quý vị nên phân tích tình trạng tài chánh của mình để biết chắc quý vị có đủ tiền trong ngân quỹ để trả nợ. Bên đòi nợ có thể kiện quý vị nhanh chóng nếu quý vị không trả nợ như đã thoả thuận. Cách giúp quý vị biết có thể trả được bao nhiêu là nên tư vấn với một cơ quan tư vấn tín dụng vô vụ lợi. Cố vấn viên chuyên về tín dụng có thể nhìn qua ngân quỹ của quý vị và giúp tìm ra số tiền quý vị có thể trả được. Cố vấn viên cũng có thể cung cấp các tin tức hữu ích đối phó với các vấn đề bị đòi nợ.

Thêm vào đó, cố vấn viên về tín dụng đôi khi cũng đưa ra một kế hoạch quán xuyến trả nợ (debt management plan-DMP), nghĩa là số tiền trả nợ không bảo đảm (unsecured debt) hàng tháng của quý vị sẽ được thâu về một mối đưa cho cơ quan tư vấn tín dụng. Sau đó cơ quan sẽ quán xuyến trả cho các chủ nợ của quý vị. Thông thường quý vị phải trả một lệ phí (lên đến $50/một tháng), nhưng một số cơ quan cho miễn trả nếu tiền kiếm được của quý vị thấp. Lợi ích của DMP cho người tiêu thụ là tiền trả nợ hàng tháng, lãi suất có thể thấp và lệ phí có thể được miễn cũng như văn phòng tư vấn tín dụng thường (nhưng không luôn luôn) đại diện cho quý vị can thiệp để quý vị tạm thời không bị kiện. Nhiều chủ nợ và một số văn phòng đòi nợ nhận kế hoạch DMP trả tiền cho họ, và họ thường đồng ý không kiện nếu họ nhận được tiền quý vị hứa trả hàng tháng. Nhưng quý vị cần lưu ý, nếu không trả nợ cho dù chỉ một lần cũng đủ để họ khởi sự kiện quý vị. Để tìm một cơ quan tư vấn tín dụng vô vụ lợi, xin vào trang mạng của National Foundation for Credit Counseling (NFCC) hay gọi số 800-388-2227.

Nếu quý vị đạt được thoả thuận với bên đòi nợ, yêu cầu họ viết văn bản trên giấy có huy hiệu văn phòng của họ trên đầu trang, và gởi cho quý vị một bản sao. Trong văn bản phải có tên của chủ nợ gốc. Đừng trả đồng nào cho đến khi quý vị nhận được bản hợp đồng này. Và đừng cho văn phòng đòi nợ vào được trương mục ngân hàng của quý vị qua ngả tự động khấu trừ hay cho họ số thẻ tín dụng của quý vị — một khi tiền đã bị rút ra từ trương mục, sẽ khó hay không thể đòi lại được, cho dù quý vị tin rằng văn phòng đòi nợ đã lấy quá nhiều hay rút tiền của quý vị ra không đúng ngày. Gởi tiền trả nợ bằng ngân phiếu, hay qua đường điện toán bằng cách dùng phương tiện trả tiền trên mạng của ngân hàng.

Xin đọc bài “Debt Settlement & Negotiation with Creditors” (Giải Pháp Ổn Thoả Trả Nợ & Điều Đình với Chủ Nợ) trong trang mạng của Nolo [http://bit.ly/2ap6Lc7] và đường “link” sẽ dẫn đến các bài khác giúp quý vị chuẩn bị nói chuyện với chủ nợ hay văn phòng đòi nợ về các lựa chọn trả nợ. Có một số chỉ dẫn [http://bit.ly/2arUuC0] bao gồm các gợi ý có thể phải khai phá sản, và bắt đầu trả nợ với phần trăm thấp (khoảng 15% số tiền nợ), với mục đích đi đến giải pháp ổn thoả trả 50% tiền nợ hay thấp hơn. Bài đọc cũng giúp quý vị cách thâu góp tiền mặt trước khi bắt đầu thương lượng vì quý vị thường đạt được giải pháp ổn thoả với số tiền trả nợ thấp nếu quý vị có thể chuyển tiền ngay lập tức.

Nên chú ý, nếu quý vị trả bất kỳ khoản tiền nào hay ngay cả hứa sẽ trả cho một món nợ đã hết hiệu lực để trả (timed-barred debt), quý vị sẽ làm cho món nợ có hiệu lực trở lại. Trang mạng Nolo cảnh giác người mắc nợ đừng làm món nợ đã “khoá sổ” lại “mở sổ” trở lại vì quý vị đã vô tình từ bỏ quyền miễn trả, làm hiệu lực lại món nợ khi nó đã trong diện “khoá sổ” [bit.ly/2afgkdO].

Khai Phá Sản

Nếu số tiền nợ quá lớn và quý vị biết không cách chi trả được, khai phá sản là một chọn lựa cho quý vị suy tính — trước hay sau khi bị kiện. Bên đòi nợ không thể tiếp tục đòi món nợ nào toà đang cứu xét hồ sơ khai phá sản, và họ không được đòi món nợ đã được toà hoá giải (xoá bỏ) trong vụ phá sản. Vì sợ không lấy được đồng nợ nào khi con nợ khai phá sản, văn phòng đòi nợ đôi khi nhân nhượng với các kế hoạch trả nợ hay các đề nghị về giải pháp ổn thoả.

Cho dù có rất nhiều tài liệu hướng dẫn “tự khai phá sản,” quý vị đừng nên tự khai khi chưa tư vấn với một luật sư. Chỉ cần sơ sót cũng đưa đến hậu quả nợ không được xoá, nghĩa là quý vị vẫn phải trả nợ. Cơ Quan Consumer Action có các hướng dẫn khái quát về khai phá sản cá nhân, bao gồm các nguồn hướng dẫn tìm luật sư chuyên về luật phá sản [https://www.consumer-action.org/vietnamese/articles/personal_bankruptcy_vn].

Hồi Đáp Khi Bị Kiện

Tập cẩm nang này chỉ là các hướng dẫn khái quát, không tư vấn. Nếu bị kiện, chúng tôi thiết tha đề nghị quý vị nên tìm một luật sư, vì các chi tiết thuộc về chuyên môn trong vụ kiện rất dễ bị bỏ sót và quý vị bị mất các quyền quan trọng.

Nếu không thể trả nợ hay có giải quyết ổn thoả với văn phòng đòi nợ, quý vị có thể bị họ kiện ra toà, tiền lương bị tịch thâu hay tài sản bị xiết (chưa kể nợ vẫn bị đòi và có bản báo cáo tín dụng xấu). Nếu quý vị chưa làm gì, nên liên lạc với một luật sư hay các cơ quan cố vấn pháp lý để được hướng dẫn trong trường hợp của quý vị. Đừng đợi đến khi vụ kiện của quý vị đã lên đến toà lúc đó mới kiếm trợ giúp pháp lý. (Xin xem phần “Trợ giúp pháp lý miễn phí và giá phải chăng” trong tập cẩm nang này để biết các chi tiết về cách tìm nguồn trợ giúp pháp lý và luật sư đại diện khi quý vị không có tiền trả phí tổn luật sư.)

Nếu một văn phòng đòi nợ kiện quý vị, họ phải gởi thông báo đến cho quý vị bằng hai văn bản — Trát Toà (Summon-cho biết quý vị cần phải làm gì và thời hạn phải hoàn tất) và đơn Khiếu Nại (cho biết ai kiện quý vị, tại sao và số tiền). (Trát toà và đơn khiếu nại tại một vài nơi có thể được gộp chung trong một văn bản). Quý vị không bao giờ tỉnh bơ khi bị kiện. Nếu bị văn phòng đòi nợ kiện, quý vị phải hồi đáp với tư cách cá nhân hay qua luật sư, hay quyết định sáng suốt và hiểu rõ sự việc dựa trên dữ kiện xác thực về trường hợp của quý vị cũng như được một luật sư giỏi cố vấn không nên hồi đáp. Khi hồi đáp, quý vị phải hồi đáp trước ngày hết hạn có ghi trong trát toà để bảo vệ quyền của quý vị. Toà án nơi đơn kiện được nộp lên sẽ quyết định đơn kiện sẽ được “served” (trao) cho quý vị tận tay hay qua đường bưu điện. Một số tiểu bang cho gởi đơn kiện bằng thơ bảo đảm đến người bị kiện. (Từ chối nhận đơn kiện không ngăn chặn được vụ kiện vẫn tiếp tục.)

Từ ngữ “trả lời” là văn thơ biện hộ chính thức của quý vị cho vụ kiện. Tùy theo dữ kiện xác thật, trong thơ trả lời phải bao gồm, nhưng không giới hạn, lời tuyên bố quý vị không mắc nợ, phản đối số tiền nợ, chất vấn quyền được kiện của bên đòi nợ (có lẽ vì món nợ đã trong diện “khoá sổ”) hay quý vị không biết các cáo buộc trong đơn kiện có đúng không.

Trả lời đơn kiện sẽ đặt bên đòi nợ vào thế họ phải đưa ra các bằng chứng cho toà, chứng minh quý vị mắc nợ. Có các cách khác để hồi đáp một vụ kiện --thí dụ, nộp bản kiến nghị hay kiện lại. Luật sư có thể giải thích ngụ ý của từng kiểu hồi đáp và giúp quý vị, nếu được, chọn kiểu nào tốt nhất cho trường hợp của quý vị. (Trong một số trường hợp, chọn không hồi đáp có lợi hơn cho quý vị, nhưng tốt hơn hết quý vị nên tư vấn với luật sư trước khi dùng cách này.)

Nếu tỉnh bơ đơn kiện, toà có thể ra án lệnh “default” (án lệnh phải trả nợ) buộc quý vị phải trả số tiền chủ nợ hay văn phòng đòi nợ nói quý vị nợ họ. Toà cũng cho bên đòi nợ được quyền bắt quý vị phải trả thêm các phí tổn đòi nợ và án phí họ đã tốn vì quý vị. Án lệnh này cho bên đòi nợ sẽ có nhiều biện pháp hơn để lấy lại số tiền quý vị nợ họ, như được quyền tịch thâu một phần tiền lương, tịch thâu tiền trong trương mục ngân hàng của quý vị. Đó là lý do quý vị cần nói chuyện với một luật sư trước khi trả lời một vụ kiện.

Nếu muốn đối chất về một món nợ hay số tiền nợ, quý vị nên làm trước khi Toà ra án lệnh. Án lệnh là phán quyết của toà, và chỉ có toà mới thay đổi án lệnh. nhưng khó thay đổi hay đình chỉ án lệnh khi vụ xử đã xong. Án lệnh phạt vì không trả tiền có thể được “vacate” (bãi nại) trong một vài lý do cụ thể cho quý vị, nhưng cách tốt nhất vẫn là tránh bị án lệnh hơn là cố gắng kháng cáo sau khi vụ kiện đã được phân xử.

Quân nhân còn đang trong quân ngũ có thêm các quyền bảo vệ để không bị án lệnh phạt vì không trả tiền và bị tịch thâu một phần tiền lương để trả cho bên đòi nợ dựa theo Sắc Luật Servicemembers Civil Relief Act (SCRA). Để biết thêm chi tiết, xin vào trang mạng của Quân Đội Military.comSaveAndInvest.org. Quân nhân bị kiện cần nên tư vấn với văn phòng địa phương JAG [https://www.military.com/benefits/military-legal-matters/legal-assistance-and-jag/free-legal-assistance.html].

Một số văn phòng đòi nợ đệ đơn kiện dù biết rằng họ không đủ chứng cớ để chứng minh bị cáo nợ họ. Nhưng vì ít người hồi đáp thơ kiện—mầm mống phạm lỗi to tát— bên đòi nợ hy vọng họ sẽ thắng bởi án lệnh phạt vì không trả tiền. Sau khi quý vị nộp văn thơ trả lời, bên kiện có thể muốn liên lạc với quý vị để thương lượng vì họ không có đủ chứng cớ để thắng kiện. Nếu chuyện này không xảy ra, vì bên đòi nợ cảm thấy họ có đủ chứng cớ cần thiết để thắng kiện, và có thể đây là cơ hội cuối cùng cho quý vị thương lượng với họ. Quý vị nên nói chuyện với luật sư hay cố vấn viên tín dụng để cân nhắc các lựa chọn cho mình.

Một số văn phòng đòi nợ vẫn nộp đơn kiện cho dù món nợ đã trong diện đã “khoá sổ.” Toà vẫn cho bên kiện thắng nếu quý vị bị kiện nhưng không ra toà vì vịn vào lý do món nợ đã quá cũ như là lời biện hộ. (Không có chuyện thời hạn kiện đã hết nếu quý vị nợ chính phủ liên bang hay nợ tiền thuế, tiền học phí mượn của chính phủ liên bang hay tiền cấp dưỡng vợ/chồng cũ, con cái.)

Có nhiều trường hợp bên đòi nợ kiện nhưng không đưa Trát Toà đến người bị kiện. Nếu quý vị nhận được án lệnh “default judgement” (án lệnh phải trả nợ) của toà án khi quý vị đã không nhận được trát toà, quý vị có lý do pháp lý mạnh hơn để biện hộ chống lại các hành vi muốn lấy tiền của quý vị dựa trên án lệnh đó. Quý vị nên tư vấn với một luật sư chuyên về luật đòi nợ ngay.

Quý vị có quyền kiện ngược lại bên nguyên cáo (người hay công ty kiện quý vị)--Thí dụ, nếu số tiền nợ từ sản phẩm đã gây ra thương tích hay thiệt hại cho quý vị, hoặc quý vị tin rằng người kiện đã vi phạm Luật FDCPA. (Tuỳ vào trường hợp của quý vị và/hay toà, quý vị có thể khai như vậy trong thơ trả lời.) Thông thường quý vị phải trả lệ phí khi đệ đơn kiện lại. Quý vị có thể lấy thêm các chi tiết tổng quát về nội quy của toà án, lệ phí, thuật ngữ, thủ tục và luật sư hành nghề hay liên lạc với thư ký toà, nhưng thư ký không thể tư vấn pháp lý cho quý vị.

Để biết thêm chi tiết về hồi đáp một vụ kiện từ văn phòng đòi nợ, xin đọc “What should I do if a creditor or debt collector sues me?” (Tôi cần phải làm gì nếu bị chủ nợ hay văn phòng đòi nợ kiện?) của CFPB; bài “Credit Lawsuits: How the Case Begins” (Kiện Tín Dụng: Vụ việc bắt đầu ra sao?” của Nolo; Sách “Represent Yourself in Court] (Quý Vị Tự Đại Diện Khi Ra Toà) của Nolo; và “Defenses and Counterclaim to Creditor Lawsuits” (Biện Hộ và Kiện Lại Chủ Nợ) của Nolo.

Buộc Phải Có Trọng Tài Phân Xử

Trọng tài phân xử là cách giải quyết vụ đối chất do một cơ quan không trong hệ thống toà án quyết định kết quả của một cuộc tranh cãi. Đôi khi Toà chỉ định trọng tài phân xử và quyết định của trọng tài phân xử không buộc bên nào phải tuân theo (non-binding), nhưng có những vụ trọng tài phân xử bắt buộc phải tuân theo (binding) thường có trong các hợp đồng thẻ tín dụng, vay tiền (nhưng không phải vay tiền mua nhà) và các hợp đồng khác với người tiêu thụ. Các điều khoản trước khi đối chất buộc phải đồng ý có trọng tài phân xử cho các đối chất trong tương lai giữa công ty và người tiêu thụ, thay vì trong toà án. Quyết định của trọng tài là “binding” (phải tuân theo quyết định đó), không cần biết người tiêu thụ có mặt hay không trong buổi họp đối chất.

Dù trong hợp đồng (giao kèo) mượn tiền giữa quý vị và chủ nợ hay công ty cung cấp dịch vụ có điều khoản buộc phải có trọng tài phân xử hay không, nhưng hợp đồng này vẫn có giá trị mặc dù nó sau này được chuyển giao hay bán lại cho cơ sở đòi nợ và tùy theo ngôn ngữ trong hợp đồng cũng như mối quan hệ giữa chủ nợ gốc và cơ sở đòi nợ. Quý vị nên có luât sư duyệt qua hợp đồng để xem điều khoản buộc phải có trọng tài phân xử còn hiệu lực hay đã hết khi hợp đồng được chuyển giao hay bán lại cho một cơ sở đòi nợ khác; hay điều khoản này không thể thực thi vì lý do nào đó. (Hợp đồng có điều khoản buộc phải tuân theo quyết định của trọng tài phân xử (mandatory binding) thiên về phía bên đòi nợ rất nhiều, vì thế, cách tốt nhất nên cố gắng có phiên xử trước toà án.)

Nếu cơ sở đòi nợ đưa quý vị ra trọng tài phân xử, quý vị sẽ nhận được thơ thông báo. Tương tự như một vụ kiện, quý vị không được tỉnh bơ thời hạn phải hồi đáp và các đòi hỏi liệt kê trong thơ. Nếu văn phòng của trọng tài phân xử ở xa quý vị và quý vị không có tiền đi tới đó, nên hỏi thử có thể chọn buổi họp phân xử qua điện thoại phóng thanh (conference call) hay qua thơ gởi hoặc email được không. Dù quý vị không cần phải có luật sư trong vụ trọng tài phân xử, nhưng cũng nên tư vấn với một luật sư để bảo vệ quyền của quý vị.

Trong ngày trọng tài phân xử, quý vị và phía đòi nợ có cơ hội trình bày câu chuyện của mỗi bên. Nếu trọng tài phân xử quyết định quý vị nợ tiền, họ sẽ cấp giấy “phần thắng” cho bên đòi nợ, sau đó, bên đòi nợ đến toà để xin án lệnh của toà. Nếu toà cho án lệnh, phía đòi nợ có thể tiến hành thủ tục tịch thâu một phần tiền trong ngân phiếu lương hay trong trương mục ngân hàng của quý vị.

Quý vị có quyền “phản bác” lại quyết định cho bên đòi nợ thắng, nhưng thời gian và lý do chống đối rất hạn chế, vì thế quý vị nên tư vấn với luật sư.

Trong trường hợp quan toà ra lệnh phải có trọng tài phân xử, và trọng tài là do toà chỉ định hay do cả hai bên kiện và bị kiện chọn. Lệ phí thường có giới hạn và ngay cả được miễn nếu quý vị không trả được. Khác với các thoả thuận “tiền đối chất” trong hợp đồng của nhiều công ty buộc phải tuân theo quyết định của trọng tài phân xử, quyết định của trọng tài phân xử do toà chỉ định là “non-binding,” nghĩa là nếu một trong hai bên kiện và bị kiện phản đối quyết định đó, vụ kiện sẽ được đem ra toà trở lại.

Chuẩn bị cho ngày ra toà

Trát toà quý vị nhận được sẽ cho biết địa điểm ra hầu toà. Quý vị và/hay luật sư của quý vị phải có sự chuẩn bị trước và đến đúng giờ. Nên tư vấn với luật sư để biết chính xác giấy tờ gì quý vị nên mang theo. Thí dụ:

  • Tất cả các giấy tờ liên quan quý vị nhận được từ bên kiện hay quý vị gởi đi cho họ, bao gồm bản sao các thơ gởi, thơ emails in ra giấy và các ghi chú về các cuộc đối thoại trong điện thoại bao gồm người đòi nợ có lễ độ hay sách nhiễu quý vị liên tục;
  • Danh sách các nơi văn phòng đòi nợ đã liên lạc (thí dụ, sở làm của quý vị) về món nợ;
  • Các chứng cớ nào khác bênh vực cho trường hợp của quý vị, có thể là bản báo cáo tín dụng, bản tường trình tài chánh, các ngân phiếu đã rút tiền, hay các chứng cớ cho thấy món nợ đã hết hiệu lực để kiện (“khoá sổ,” quá thời gian được kiện), quý vị không mắc nợ, số tiền nợ không đúng, hoặc chứng tỏ quý vị đã thật tình cố gắng trả nợ; và
  • Các hồ sơ lưu chứng nhận tiền kiếm được của quý vị và tài sản nếu quý vị muốn xin miễn bị tịch thâu.

Tùy theo tiểu bang quý vị ở, nếu vụ kiện được phân xử trong toà hoà giải (small claim court,) quý vị có thể không được có luật sư đại diện cho quý vị. Để biết thêm chi tiết về các lựa chọn khác, xin đọc “If You Get Sued in Small Claims Court” (Nếu quý vị bị kiện trong Toà Hoà Giải) trong trang mạng của Nolo.

Quý vị có cơ hội cuối cùng để đưa ra kế hoạch giải quyết ổn thoả hay trả nợ với bên đòi nợ trước ngày ra toà. Nên biết chắc tất cả các thoả thuận đệ trình phải được “ghi lại” khi quý vị hầu toà, và quý vị nhận được bản sao văn bản thoả thuận. Đừng đồng ý bất kỳ các hoạch định trả nợ nào quý vị không chắc có thể trả được.

Nếu quý vị thua kiện

Nếu bên đòi nợ thắng kiện, án lệnh của toà sẽ nghiêng về phía họ, và án lệnh cho biết quý vị nợ bao nhiêu tiền. (Trong vụ trọng tài phân xử, bên đòi nợ sẽ mang quyết định của trọng tài lên toà án và xin được xác nhận phần thắng về họ.) Bên đòi nợ có thời hạn ấn định để lấy tiền về—thời hạn chính xác khác nhau tùy từng tiểu bang [bit.ly/2aGJdNg]. Hầu hết các tiểu bang cho phép bên đòi nợ được quyền gia hạn thêm hiệu lực của án lệnh, và một số tiểu bang cho phép gia hạn nhiều lần, và có khi cho án lệnh có hiệu lực vĩnh viễn. Để biết thêm chi tiết về thời hạn của án lệnh, xin coi trong trang mạng của Nolo.

Nếu quý vị không trả hết nợ hay không thương lượng một kế hoạch trả nợ, bên đòi nợ có quyền tịch thâu một phần tiền từ tiền lương hay trong trương mục ngân hàng của quý vị chiếu theo án lệnh. Văn phòng đòi nợ còn có thể “lien” (xiết) bất động sản của quý vị (“lien” thường để ngăn quý bán bất động sản cho đến khi quý vị trả nợ và được xoá, cho dù một số chủ nhân bất động sản có thể dùng luật để không bị xiết, thí dụ, họ cho rằng bất động sản đó được miễn (exempt), đang khai phá sản, hay đang thỉnh cầu lên toà. Để biết thêm chi tiết về án lệnh cho xiết bất động sản, xin đọc trong trang mạng của Nolo.

Bất kể án lệnh của toà về số tiền nợ là bao nhiêu, luật pháp có đặt các hạn chế những gì bên đòi nợ có thể lấy của quý vị. Chiếu theo luật của chính phủ liên bang, cơ sở đòi nợ chỉ có thể tịch thâu 25% từ số tiền lương lấy về (là tiền lương đã khấu trừ thuế và các thứ tiền khác) hay số tiền vượt quá 30 lần mức lương giờ tối thiểu do chính quyền liên bang ấn định ($7.25/một giờ cho năm 2016), tùy theo số tiền nào ít hơn luật sẽ áp dụng. Luật của tiểu bang còn bảo vệ người mắc nợ nhiều hơn. Thí dụ, ở California, số tiền dưới 25 phần trăm của mức lương kiếm được hàng tuần sau khi trừ thuế hay 50 phần trăm số lương kiếm được vượt quá 40 lần mức lương giờ tối thiểu của chính phủ ($10 một giờ trong năm 2016), hay lương giờ do chính quyền địa phương ấn định, nếu cao hơn, sẽ được áp dụng.) Thông thường, tiền lương của quý vị có thể bị tịch thâu cho các loại nợ như nợ thuế và chu cấp con cái, cấp dưỡng cho vợ/chồng cũ sau khi ly dị. Quý vị có thể tìm hiểu thêm tại trang mạng của AllLaw.com: “How Much of My Wages Can Be Garnished?” (Tiền lương giờ của tôi có thể bị tịch thâu bao nhiêu?). Trang mạng đó cũng liên kết tới trang mạng của Nolo có liệt kê các luật lệ của tiểu bang về rút tiền lương giờ [bit.ly/1siw5Uw].

Tiền nhận từ trợ cấp của chính phủ (An Sinh Xã Hội, Lương Hưu VA của Cựu Quân Nhân, SSI, v.v.) còn được bảo vệ hơn nữa. Trong một số trường hợp, bên đòi nợ hoàn toàn không được quyền đụng đến, nhưng trong môt số trường hợp khác, nó có thể bị tịch thâu một phần để trả cho một số nợ cụ thể, như chu cấp con cái, vợ/chồng cũ, nợ học phí và nợ tiền thuế. Tiền trợ cấp xã hội của chính phủ sẽ bị rút ra để trả nợ hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố luật pháp của tiểu bang, nguồn trợ cấp, nó được ký thác ra sao, tiền còn lại trong trương mục là bao nhiêu và loại nợ nào. Nha Thanh Tra FTC phổ biến một bản thông tin xác thật nhan đề “Garnishing Federal Benefits” (Rút Tiền Từ Các Trợ Cấp của Chính Phủ Liên Bang Để Trả Nợ), có ghi chi tiết loại trợ cấp nào của chính phủ được miễn bị tịch thâu, nhưng bản tin cũng cho biết quý vị cần làm gì nếu nhận được thơ thông báo bị rút tiền hay trương mục trong ngân hàng của quý vị bị chặn. Văn Phòng Bảo Vệ Tài Chánh của Người Tiêu Thụ (Consumer Financial Protection Bureau) phổ biến đề tài này trong “Your benefits are protected from garnishment” (Tiền trợ cấp của quý vị được bảo vệ không bị tịch thâu) và “Can a debt collector take my Social Security or VA benefits?” (Văn phòng đòi nợ có thể lấy tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội hay VA của tôi không?). CFPB cũng cung cấp các mẫu thơ viết sẵn cho quý vị dùng để cho văn phòng đòi nợ biết trợ cấp An Sinh Xã Hội và Lương Hưu VA của quý vị được bảo vệ [http://bit.ly/2al9Xoy].

Nếu ngân hàng không cho quý vị lấy bất kỳ phần tiền nào ra khỏi trương mục, họ phải gởi cho quý vị thơ thông báo tiền của quý vị bị “tịch thâu.” Sau đó, quan toà quyết định số tiền đó phải đưa cho văn phòng đòi nợ dựa vào các yếu tố như nguồn tiền kiếm được và luật tiểu bang. Điều quan trọng là quan toà phải biết nguồn tiền của quý vị trong trương mục là từ quỹ trợ cấp xã hội của chính phủ, trước khi toà quyết định tiền phải đưa cho bên đòi nợ. Quý vị nên liên lạc với một luật sư hay cơ quan trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ. Nếu quý vị là người cao niên, Trung Tâm “Center for Elder Rights Advocacy” có thể giới thiệu quý vị tới một cơ quan trợ giúp pháp lý miễn phí cho người già đủ tiêu chuẩn (866-949-2372 hay www.legalhotlines.org). Quý vị nên chú ý cho dù quý vị nhận được thơ thông báo tiền trong trương mục của quý vị bị chặn, nhưng nhận quá trễ để ngân phiếu ký không tiền bảo chứng trong trương mục hay bị đóng phạt vì không đủ tiền trong quỹ (NSF-non-sufficient funds).

Một phần tài sản cá nhân và tiền sinh lợi trong chiếc xe và/hay căn nhà của quý vị cũng được miễn bị tịch thâu. Ở một số tiểu bang có hạn chế vụ tịch thâu nhà, cho dù bên đòi nợ có án lệnh của toà. Nếu bên đòi nợ hăm doạ sẽ tịch thâu nhà của quý vị, nên tư vấn với một luật sư để biết các quyền hạn của quý vị chiếu theo các quy luật của tiểu bang. Để biết thêm chi tiết về luật “homestead” tại tiểu bang quý vị ở (luật cấm hầu hết các cơ sở đòi nợ đụng đến tiền sinh lợi từ ngôi nhà của quý vị) và các loại tài sản được miễn bi tịch thâu khác, xin xem trang LegalConsumer.com.

Quý vị nên tìm tư vấn pháp lý nếu tiền lương giờ của quý vị bị tịch thâu, các quỹ tài chánh bị chặn hay tiền bị lấy ra khỏi trương mục ngân hàng của quý vị hoặc nhà của quý vị bị xiết.

Chiếu theo luật của liên bang, chủ nhân sở làm không được quyền đuổi quý vị vì có lệnh tịch thâu tiền lương cho một món nợ duy nhất. Nhưng luật của liên bang không thể bảo vệ quý vị tránh bị đuổi việc nếu có hai án lệnh tịch thâu tiền lương giờ của quý vị, hay nếu một án lệnh bên đòi nợ được quyền tịch thâu tiền lương giờ của quý vị để trả cho hai án lệnh khác nhau. Tuy nhiên, luật của liên bang có thể bảo vệ thêm người mắc nợ cho các trường hợp bị nhiều án lệnh khác nhau. (Trang mạng Nolo có đăng các tin tức về luật tiểu bang để giúp quý vị hiểu luật pháp bảo vệ ra sao trong trường hợp quý vị có nhiều án lệnh khác nhau: http://www.nolo.com/legal-research/state-law.html.) Quý vị cũng có thể tránh bị đuổi việc bằng cách thuyết phục chủ nhân của quý vị rằng quý vị đang cố gắng vô cùng để giải quyết hết nợ nần càng sớm càng tốt.

Các văn phòng đòi nợ không có thẩm quyền pháp luật để ra lệnh bắt hay bỏ tù quý vị. Tuy nhiên, nếu bên đòi nợ được xử thắng trong một vụ kiện, quan toà có thể ra lệnh bắt quý vị nếu quý vị không chịu hầu toà hay không trả tốn phí toà án cho vụ kiện, nếu có. Ở một vài tiểu bang, các văn phòng đòi nợ được phép xin trát lệnh của toà bắt giữ con nợ nếu tất cả mọi cách đòi nợ đã thất bại. (Trong thực tế, không phải tất cả quận hạt nào trong tiểu bang đều thi hành lệnh bắt giữ vì mắc nợ.) Để tự bảo vệ mình, quý vị luôn phải hầu toà khi nhận được trát toà, và nhờ luật sư giúp.

Nếu quý vị bị một án lệnh “default” trong trường hợp quý vị đã không được thông báo gì về trát toà, quý vị có cơ hội rất tốt để biện hộ chống lại bất kỳ các cố gắng của bên đòi nợ muốn lấy tiền của quý vị dựa trên án lệnh này. Nên tư vấn ngay với một luật sư chuyên về luật đòi nợ.

Các trợ giúp pháp lý miễn phí và giá phải chăng

Quý vị muốn khai phá sản hay cần tư vấn pháp lý hoặc có luật sư đại diện cho một vụ kiện về thiếu nợ, có các nguồn trợ giúp pháp lý miễn phí hay tính giá phải chăng cho những ai đủ tiêu chuẩn. (Nhưng các cơ quan trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ miễn phí cho người có lợi tức thấp thường không đủ luật sư giúp, vì thế chọn lựa sáng suốt là quý vị ráng kiếm tiền để trả một giờ tư vấn đầu tiên với luật sư có kinh nghiệm về luật đòi nợ.)

The Legal Services Corporation (LSC), là tổ hợp luật sư vô vụ lợi và độc lập, do Quốc Hội thành lập năm 1974 để tài trợ cho các cơ quan trợ giúp luật dân sự cho người dân Hoa Kỳ có mức lương thấp, tổ hợp giới thiệu đến các văn phòng trợ giúp pháp lý địa phương cho những ai không có tiền mướn luật sư tư.

LawHelp.org hướng dẫn về pháp lý và giúp người có mức lương thấp và trung bình tìm các chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí trong cộng đồng của họ. (Cơ Quan DFPB cũng cung cấp danh sách các cơ quan trợ giúp pháp lý trong tiểu bang bit.ly/2ataeaL.

The Center for Elder Rights Advocacy (866-949-2372) giới thiệu người tiêu thụ đến các cơ quan trợ giúp pháp lý địa phương miễn phí các người già nào đủ tiêu chuẩn được giúp.

Các quân nhân còn trong quân ngũ có các quyền đặc biệt chiếu theo Sắc Luật Servicemembers Civil Relief Act (SCRA). Nếu quý vị trong quân đội và cần trợ giúp pháp lý, xin liên lạc với Văn Phòng Armed Forces Legal Assistance Office.

Hiệp Hội National Association of Consumer Advocates (NACA) giúp tìm một luật sư có khả năng trong khu vực quý vị ở. Dịch vụ có thể không miễn phí hay tính giá phải chăng, nhưng một luật sư có thể đồng ý biện hộ cho quý vị miễn phí (pro bono) nếu họ tin rằng bên đòi nợ đã vi phạm luật tiểu bang hay liên bang và bên đòi nợ (nếu thua kiện) sẽ chịu trách nhiệm trả tất cả các tốn phí luật sư cho quý vị.

Nếu không đủ tiêu chuẩn để được trợ giúp pháp lý miễn phí hay giá phải chăng, quý vị có thể liên lạc với một văn phòng giới thiệu luật sư hay hiệp hội luật sư trong tiểu bang của quý vị [https://www.americanbar.org/groups/legal_services/flh-home/flh-bar-directories-and-lawyer-finders] và yêu cầu có một luật sư đầy kinh nghiệm về luật bảo vệ người tiêu thụ, biện hộ cho người thiếu nợ hay Sắc Luật Fair Debt Collection Practices Act. Hoặc quý vị hỏi người quen giới thiệu cho luật sư, ngay cả luật sư giỏi nào quý vị đã mướn trước đó. Một số luật sư sẵn sàng cho biết trước giá cả và chỉ tính tiền nếu và khi quý vị thắng kiện (“contingency fee arrangement” là lệ phí phụ thuộc) vì trong Sắc Luật FDCPA, quan toà có uy lực ra lệnh bên đòi nợ phải trả án phí luật sư cho quý vị nếu quý vị thắng.

Đệ đơn khiếu nại

Nếu quý vị có vấn đề với một công ty đòi nợ, nên gởi đơn khiếu nại trực tiếp tới các cơ quan tuân hành luật của công ty. Nếu không thể giải quyết vấn đề trực tiếp với họ, quý vị có thể nộp đơn khiếu nại đến:

  • Consumer Financial Protection Bureau (CFPB), cơ quan kiểm soát các công ty đòi tiền và cùng thực thi Sắc Luật FDCPA, trang mạng [ www.consumerfinance.gov/complaint/] hay điện thoại số 855-411-2372
  • Nha Thanh Tra FTC (Federal Trade Commission), cùng với CFPB, thực thi Sắc Luật Fair Debt Collection Practice Act, trang mạng [ www.ftccomplaintassistant.gov] hay điện thoại số 877-FTC-HELP.
  • The Better Business Bureau
  • Văn Phòng Biện Lý của tiểu bang quý vị [thông tin liên lạc cho từng tiểu bang tại Hiệp Hội National Association of Attorney General: www.naag.org/current-attorney-general.php]

Trang mạng Nolo cho các chỉ dẫn trong “What to Do If a Bill Collector Crosses the Line” (Cần Làm Gì Khi Công Ty Đòi Nợ Vi Phạm Luật) [bit.ly/2a9OcEn]. Một chỉ dẫn là gởi bản sao thơ khiếu nại tới FTC/CFPB của quý vị đến cho công ty đòi nợ và chủ nợ gốc để hy vọng họ bỏ hay thương lượng về món nợ.

Nếu quý vị tin rằng văn phòng đòi tiền đã vi phạm luật, quý vị có quyền kiện lên toà án cấp liên bang hay tiểu bang trong vòng một năm tính từ ngày họ vi phạm. Nếu thắng kiện, quan toà có thể ra lệnh cho bên đòi nợ phải trả án phí luật sư và ngay cả tiền bồi thường thiệt hại cho quý vị (như tiền lương giờ bị mất hay chi phí khám bệnh). Nếu văn phòng đòi tiền cố tình và có chủ đích vi phạm luật, toà án ra lệnh cho họ phải trả cho quý vị thêm từ $100 đến $1,000 Mỹ kim. Tuy nhiên, quý vị sẽ vẫn mắc nợ nếu có chứng cớ hẳn hòi. Để biết thêm chi tiết, xin đọc “Damages for FDCPA Violations” trong trang mạng của Nolo.

Published / Reviewed Date

Reviewed: January 24, 2017

Download File

Debtors’ Rights (Vietnamese)
File Name: CA_Debtors_Rights_2016_VN.pdf
File Size: 0.45MB

Sponsors

Notes

Ấn bản này được tài trợ bởi Dự Án Quản Lý Tài Chánh của Cơ Quan Consumer Action.

Filed Under

Bankruptcy   ♦   Credit   ♦   Debt Collection   ♦  

Copyright

© 2016 –2024 Consumer Action. Rights Reserved.

 

Tags/Keywords

 
 

Quick Menu

Facebook FTwitter T